Thứ Sáu, 31/5/2013 23:59'(GMT+7)

5 công nghệ sẽ định hình web

Trở lại năm 1997 – năm mà Internet và web chỉ mới bắt đầu "cất cánh". Người dùng lúc bấy giờ có rất ít chọn lựa để "trực tuyến", thường là sử dụng modem và trình duyệt Netscape Navigator. Google lúc này vẫn còn là dự án nghiên cứu của 2 sinh viên trường đại học Stanford, và sáng lập viên Facebook, Mark Zuckerberg lúc này chỉ mới 13 tuổi.
Dần những năm sau, web tiến triển thêm một bước nữa, đó là những năm cuối của thập niên 1990, các doanh nghiệp bắt đầu chấp nhận web; đầu thập niên 2000, Google đã chiếm ưu thế về tìm kiếm; giữa thập niên 2000, người dùng tạo ra nội dung ngày càng nổi bật. Đến nay, web đang trong quá trình chuyển đến giai đoạn phát triển mới, biến thành nơi mà các tương tác xã hội là quan trọng hơn bao giờ hết. "Anh cả" trong việc biến đổi này không ai khác ngoài Facebook.

Vậy bước phát triển tiếp theo của web là gì? Với câu hỏi đặt ra là những công nghệ nào sẽ định hình web trong vài năm tới. Những người được khảo sát gồm nhiều nhà phân tích, kỹ sư và những nhà quản trị đã có những dự đoán tập trung vào 5 công nghệ chủ chốt và được đề cập thường xuyên nhất. Ngoài ra, trong bài viết sẽ có nhận định của các chuyên gia về Google và Facebook.

1. Web di động sẽ thông minh hơn

Trong bước ngoặt của lịch sử điện toán, lần đầu tiên, số lượng điện thoại thông minh (smartphone) bán ra trên toàn cầu trong quý 4 năm 2010 vượt qua máy tính. Các thiết bị di động gia tăng một cách đáng kinh ngạc cả về tốc độ và quy mô của nó. Mỗi ngày, các hãng điện thoại kích hoạt 350.000 chiếc chạy hệ điều hành Android của Google. Ước tính có 15% lượng tìm kiếm trên cỗ máy Google liên quan đến các thiết bị di động. Hơn 10 tỷ lượt ứng dụng được tải về từ App Store của Apple.

Theo nhận xét của Gina Trapani, người triển khai ThinkUp (smarterware.org) cho biết, Google đang chiến thắng về web, còn Facebook chiến thắng về mạng xã hội. Google đang thiếu về xã hội. Họ đang cố gắng để làm việc này nhưng có lẽ đã muộn.

Như chúng ta đã thấy, công nghệ di động đã làm thay đổi thói quen của nhiều người dùng: các thiết bị di động đang trở thành cổng thông tin thuận tiện cho họ trong việc trực tuyến trên mạng xã hội. Họ có thể sử dụng điện thoại để ghi lại các "cảm nhận" bằng giọng nói, đăng ảnh, chơi game và thu thập thông tin bạn bè. Hơn 250 triệu người dùng truy cập Facebook ngay trên các thiết bị di động của họ, và 40% tin nhắn (tweet) đến từ các nền tảng di động. Thực tế, iPhone 4 đã trở thành chiếc máy ảnh phổ biến cho những cư dân Flickr.

Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ mới là những khởi đầu. Sự mạnh mẽ pha trộn giữa khả năng di động và xã hội sẽ truyền "cảm hứng" cho nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm mới và trở thành nền tảng trong cách làm việc, buôn bán và giải trí của tất cả chúng ta. Yếu tố chính thúc đẩy sự chuyển đổi này chính là ngữ cảnh (context).

Theo Richard MacManus, Blogger của ReadWriteWeb (readwriteweb.com), dùng điện thoại di động có nghĩa là người dùng muốn thông tin về ngữ cảnh. Vì vậy, thách thức của Google là làm thế nào để cung cấp cho người dùng những khuyến cáo cá nhân khi họ đang di chuyển, khác với danh sách các kết quả tìm kiếm. Facebook làm tốt việc này, vì họ có ngữ cảnh xã hội (social context) để tìm kiếm trên các điện thoại di động.

Trong hầu hết quá trình sử dụng điện thoại, những ngữ cảnh cụ thể đều được ghi lại. Đó là vị trí, ngày, giờ, bạn làm gì ở đó, gần nơi nào, bạn đã làm gì trước đó.

 

Ngoài ra, còn có bản đồ xã hội (social graph) của bạn – những kết nối giữa các cá nhân cũng như các đối tượng và cá nhân – với các bit dữ liệu có liên quan đến ngữ cảnh đó (chẳng hạn khi bạn bè chia sẻ thông tin về vị trí đó). Tương lai của tính toán di động (mobile computing) tùy thuộc vào các công ty và những nhà phát triển các công nghệ - các phân tích về dữ liệu và các thuật toán máy học (machine learning algorithm), chẳng hạn khả năng "cảm" dữ liệu ngữ cảnh để đưa ra kết quả tìm kiếm, quảng cáo và nhiều dịch vụ khác tốt hơn.

Để biết những tiến triển về điều này, bạn hãy xem một phần thông tin ngữ cảnh của các công ty đang làm về thông tin địa lý (geolocation). Facebook tung ra dịch vụ Places, và Google khai trương dịch vụ Latitude (khởi đầu gồm có Foursquare và Gowalla). Sử dụng định vị toàn cầu (GPS) và dữ liệu Wi-Fi từ điện thoại của nhiều người, những dịch vụ này cung cấp thông tin những vị trí cụ thể và những dịch vụ giảm giá (deal). Nếu đến cửa hàng, bạn sẽ nhận được phiếu giảm giá; Nếu bạn ở quán cà phê, bạn sẽ nghe bạn bè nói về nơi này và những nơi khác ở gần đó có giảm giá chẳng hạn. Vì vậy, những gì mà các thiết bị di động đang hỗ trợ thực hiện là liên kết thế giới số đến thế giới thực – và như vậy nhiều ứng dụng có thể chấp nhận được và con người sẽ được kết nối với nhau nhanh hơn.

Dennis Woodside, Phó chủ tịch Google nói rằng bạn có thể nhìn thấy những thay đổi tương tự của ngành công nghiệp và kinh doanh từ khi web bắt đầu phổ biến và hiện nay nó được phát triển nhanh hơn nhiều.

2. Video làm "tràn ngập" web

Bạn có thể trả lời nhanh câu hỏi: Cỗ máy tìm kiếm nào lớn thứ 2 thế giới? Nếu trả lời là Yahoo hay Bing, bạn đã sai. Câu trả lời là YouTube.

Mỗi tháng, những người dùng YouTube trên toàn thế giới bỏ ra 2,9 tỉ giờ - tương đương 331.050 năm để truy cập trang web này. Số lượng video clip được tải lên YouTube trong 60 ngày nhiều hơn 3 mạng lớn của Mỹ có được trong vòng 60 năm.

Theo Robert Scoble, Blogger của Scobleizer (scobleizer.com), sự kỳ vọng của chúng ta ngày càng tăng. Chúng ta mong muốn xem phim và giải trí bất kỳ lúc nào chúng ta muốn. Tại sao ta phải thức đêm xem "American Idol" trên một kênh nhất định? Tại sao không "đẩy" lên iPad để xem bất kỳ khi nào mình muốn?

Các nhà phân tích cho rằng, khi được Google mua lại vào năm 2006, YouTube chỉ là "dòng chảy nhỏ giọt" trong "cơn lũ" video gây tràn ngập web. Thực vậy, hiện nay, lưu lượng video đã vượt qua điểm-tới-điểm cũng như vượt cao hơn hình thức truyền dữ liệu trong các đường truyền viễn thông. Chỉ riêng các phim được truyền trực tiếp bằng Netflix đã có thể chiếm khoảng 20% băng thông của Mỹ vào mỗi đêm. Khi chuyển đổi nhiều chương trình TV lên web, những chiếc TV "kiêm" chức năng kết nối "Net" (có thể gọi là Smart TV, xem thêm bài viết "Ti vi thông minh", ID:A1106_70) tối ưu cho video; những chiếc smartphone có thể dễ dàng tạo nội dung, xem và chia sẻ đã góp phần tăng tốc phát triển xu hướng này.

 
Tương lai của web video không chỉ có nhiều hơn mà còn có thể cho chúng ta xem video theo hướng đổi mới. Đó là video tăng cường "chất" xã hội.

Theo Danny Sullivan, Blogger của Search Engine Land (searchengineland.com), Google có thể mất thị phần về video nhiều hơn Facebook. Vì YouTube là trang web chia sẻ video phổ biến và cực kỳ lớn, tuy vẫn phải đối mặt với một số mối đe dọa như chuyển đổi nội dung chuyên nghiệp, vì việc chuyển đổi này khá phức tạp.

Bản đồ xã hội có thể sẽ là công cụ khuyến cáo (recommendation) có tác động mạnh. Đây là "sân chơi" mà web xã hội có thể tham gia. Mới đây, Facebook đã hợp tác với Warner Bros. để cung cấp dịch vụ cho thuê phim trực tuyến, bắt đầu với phim Dark Night hồi tháng 3. Cuộc "đổ bộ" này gây ra mối đe dọa lớn cho các dịch vụ xem bao nhiêu trả bấy nhiêu (pay-per-view) của các công ty truyền hình cáp. Vì Facebook có ưu thế là có số lượng người dùng khổng lồ và thực tế là hãng này có thể sử dụng nhiều kết nối xã hội của người dùng, những lời bình luận (comment) của họ, và cả "likes" các phim một cách hiệu quả.

Sức hấp dẫn của video trực tuyến là có thể mang lại nguồn thu nhập khổng lồ, vì vậy các công ty đang nỗ lực tổ chức lại phần mềm và các hạ tầng mạng phù hợp hơn. Trọng tâm của những vấn đề này đã gây ra "trận chiến" giữa các chuẩn. Ngày càng có nhiều web video dựa vào công nghệ mã hóa bị vướng tác quyền (patent-encumbered) H.264. Google cho biết, H.264 là chuẩn mở, miễn phí cho tất cả định dạng video, vì thế họ ngưng hỗ trợ H.264 và đang tiến hành thay thế bằng WebM.

Độ phân giải sẽ là trọng tâm khi có chuẩn web HTML5 chính thức. HTML5 sẽ định ra các định dạng video – các đối thủ gồm H.264, WebM và một số đối thủ khác – tất cả các trình duyệt sẽ hỗ trợ. David Recordon, quản lý cao cấp các chương trình mở của Facebook cho rằng, không có việc định dạng chiếm ưu thế, mà những định dạng sẽ làm cho các ứng dụng phong phú hơn cho cả trên web và các thiết bị di động, giúp người dùng tạo và xem video dễ dàng hơn bao giờ hết.

3. Nhiều đối tượng tham gia mạng xã hội

Sau tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi Fukushima ở Nhật vừa rồi, các cơ quan chính phủ và các cá nhân thiết lập các bộ đếm Geiger để đo bức xạ. Như nhiều cảm biến hiện nay, những bộ đếm Geiger đưa kết quả đo được lên web, cho phép mọi người theo dõi thông tin về các mức bức xạ.

Đây được gọi là Internet of Things, nơi mà mọi thiết bị dân dụng như tủ lạnh, bóng đèn, lò nướng, các dụng cụ đo lường kỹ thuật cao, cảm biến nhúng và phân loại các đối tượng... đều được kết nối với Internet.
Theo Jeff Clavier, nhà đầu tư SoftTech VC (softtechvc.com), nhiều thiết bị kết nối này sẽ sử dụng hệ điều hành Android, vì vậy Google sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này dù họ đã tìm ra cách tích hợp dữ liệu vào chỉ mục tìm kiếm. Còn Facebook không phải là không có nhưng hiện nay, Facebook đang thiếu lớp xã hội (social layer) trong các thiết bị này. Có thể trong tương lai, Facebook sẽ tìm ra những thứ thú vị khác. 

 
Theo xu hướng Internet of Things (IoT, xem thêm trang 69), các nhà nghiên cứu của trường đại học Carnegie Mellon đang phát triển các cảm biến quản lý các tòa nhà, đường phố và cầu; Fitbit đã chế tạo máy ước lượng quãng đường bằng cách đếm bước (pedometer) giám sát các động tác của bạn và cho phép bạn chia sẻ các thói quen tập thể dục với bạn bè; nhà sản xuất đồ chơi Mattel ra mắt thẻ điện tử (electronic tag), cho phép gửi "tweet" mỗi khi con chó di chuyển hay sủa.

Được đề xuất hơn một thập kỷ trước, IoT cuối cũng đang hình thành, nhờ các linh kiện điện tử rẻ hơn, các cải tiến về công nghệ không dây, và tính sẵn có của linh kiện điện tử DIY (Do It Yourself) như Arduino, vi điều khiển nguồn mở nổi tiếng.

Bản đồ dữ liệu từ các cảm biến thường gặp cho đến các bản đồ xã hội sẽ cung cấp giá trị thông tin và những sự việc liên quan đến chúng ta, cho phép mọi người dễ dàng tìm kiếm những thông tin cần thiết; vì thế, cũng đừng ngạc nhiên nếu chiếc tủ lạnh của bạn cũng tham gia Facebook.

Theo Richard MacManus, Blogger của ReadWriteWeb (readwriteweb.com), các cảm biến sẽ bơm hàng "tấn" dữ liệu mới vào Internet. Google hay Facebook sẽ là công ty Internet of Things, chúng ta hãy chờ xem.

4. Dữ liệu web sẽ bùng nổ

Theo Marissa Mayer - nhà điều hành Google cho biết dữ liệu đang "sinh sôi nảy nở" với tốc độ nhanh hơn cả định luật Moore. Theo hãng nghiên cứu IDC, số lượng dữ liệu được tạo ra trên toàn cầu vào năm vừa qua vượt mức 1 zettabyte (1 tỉ terabyte). Việc "tích lũy" chưa có tiền lệ này đã dẫn đến một cuộc đua công nghệ, các công ty đang tìm kiếm cách để chứa, quản lý và phân tích thông tin.

Dĩ nhiên, Google là hãng tiên phong trong việc phát triển các công nghệ "nghiền" dữ liệu (data-crunching), chẳng hạn công cụ MapReduce, chứa một tập các thuật toán phân bố và xử lý các khối dữ liệu lớn. Ngoài ra, Google có các trung tâm dữ liệu siêu bí mật (supersecret) làm việc như các máy tính khổng lồ (warehouse-sized computer).

Theo Gina Trapani, nhà phát triển ThinkUp (smarterware.org), Google có rất nhiều dữ liệu được thu thập từ web trong thời gian rất lâu, còn Facebook có được dữ liệu do người dùng tạo ra. Dữ liệu của Facebook có nhiều điều thú vị hơn so với Google

Dữ liệu mới sẽ có một phần rất lớn về web xã hội. Hiện tại, mỗi tháng những người dùng Facebook chia sẻ hơn 30 tỉ mẫu nội dung - các liên kết web, những mẫu tin, những bài viết trên blog, hình ảnh. Những người dùng Twitter tạo ra hơn 155 triệu tweet/ngày (tức tăng hơn 55 triệu so với năm trước). Hơn nữa, cả 2 công ty đang thiết lập các nền tảng tập hợp dữ liệu, chấp nhận các công ty khác truy cập đến các kết quả thông qua API hay các giao diện chương trình ứng dụng. (Facebook Connect, cho phép các trang web truy cập dữ liệu công cộng từ những người dùng Facebook, đó là một API điển hình). Dĩ nhiên, sự phát triển của các mối liên kết vẫn còn nhiều dữ liệu trực tuyến ở dạng "trứng nước" nhưng tiến triển theo dạng xoắn ốc mở rộng.

Xoắn ốc này đang dần rời khỏi tay Google vì tính năng tìm kiếm xã hội (socia search) và thời gian thực, ngoài ra còn là mối đe dọa cho các công ty tìm kiếm khác. Facebook, Twitter và các trang hướng đến xã hội khác tích lũy khối lượng lớn dữ liệu và kết nối dữ liệu này đến các bản đồ xã hội của người dùng, có thể giúp người dùng tìm thông tin theo cách mà Google không thể làm được.

Trong cuộc đua này, các công ty công nghệ, gồm cả các công ty mới sáng lập như Cloudera đã xây dựng các công nghệ dữ liệu lớn (big-data) tốt hơn: kiến trúc máy chủ hoàn toàn mới, hệ thống cơ sở dữ liệu rất khác biệt từ các kế hoạch liên quan, các nền (framework) ngôn ngữ mới cho đến việc kết hợp các diện mạo tốt nhất của nhiều ngôn ngữ lập trình. Ngoài ra, các công ty còn nhờ vào các nhóm chuyên gia trình độ cao về khoa học dữ liệu. Dù các công ty giữ bí mật về những "kho" công nghệ của họ nhưng phần lớn đều dựa vào nguồn mở.

5. Giọng nói và cử chỉ sẽ thay đổi tương tác giữa máy tính và người

 
Trong 30 năm qua, những bộ xử lý liên tục được cải tiến để xử lý nhanh hơn, khả năng của hệ thống lưu trữ phát triển "như nấm sau mưa", màn hình nhẹ và độ phân giải cao hơn. Nhưng cách chúng ta tương tác với các máy tính – dùng bàn phím và chuột – chưa được thay đổi nhiều.

Hiện nay, tương tác giữa máy tính và con người đang tiến triển. Các smartphone và tablet với màn hình cảm ứng đã phổ biến, hỗ trợ tương tác như các bàn phím vật lý và là một giao diện trực quan, ngay cả trẻ mới biết đi cũng có thể "chọc ngoáy" trên đó.

Trong ứng dụng bằng giọng nói, đã có Google triển khai ứng dụng tìm kiếm bằng giọng nói cho Android; ứng dụng dịch ngôn ngữ gần như tức thời, chẳng hạn từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh.

Theo Charlene Li, nhà phân tích của Altimeter Group (altimetergroup.com), ứng dụng cử chỉ và giọng nói có một vài trở ngại khó vượt qua do cần phải có các khoản đầu tư lớn. Những giao tiếp tự nhiên (natural interfaces) thực sự rất khó phát triển, vì cần có nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D) đồ sộ.

Tiếp theo ứng dụng cử chỉ và giọng nói, làn sóng giao tiếp kế tiếp sẽ là... vẫy tay (waving). Năm ngoái, Microsoft đã tung ra Kinect, một cảm biến chuyển động 3D dành cho thiết bị chơi game Xbox 360. Thiết bị này phát ra mẫu các chấm hồng ngoại không thể nhìn thấy bằng mắt thường trong môi trường bình thường. Sau đó, thiết bị dùng cảm biến để nhận dạng các chấm hồng ngoại này, nhận diện khoảng cách dựa trên cách các đối tượng và người chơi làm thay đổi mẫu này. Còn gì tuyệt vời hơn, khi chơi game chỉ bằng cách "quơ" tay với Kinect – một loại giao tiếp "tự nhiên". Có vài suy đoán rằng có thể Microsoft sẽ tích hợp các điều khiển Kinect vào Windows.

Theo các chuyên gia, những cải tiến mới nhất trong các giao tiếp tự nhiên sẽ cung cấp một cái nhìn mới về tương lai tiếp cận nhanh (fast-approaching) mà người dùng sẽ tương tác với web – không chỉ gõ và chạm mà còn nói và "khoa tay múa chân" trước các thiết bị.

Các tin khác