Để đánh giá khách quan chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp năm 2012, VCCI đã tiến hành khảo sát 8.053 doanh nghiệp trong nước và 1.540 doanh nghiệp FDI. Kết quả cho thấy, điểm số CPI năm 2012 chỉ còn 56,2 điểm thay vì 59,15 điểm của năm 2011.
“Đây là điểm số thấp nhất kể từ năm 2009 - năm quy chuẩn lại điểm số tính PCI. Đáng nói là không địa phương nào đạt 65 điểm. Những địa phương nằm trong top đầu về điểm số như Đồng Tháp, An Giang, Lao Cai và Bình Định… cũng chỉ đạt số điểm tương ứng là 63,79 điểm; 63,42 điểm; 63,08 điểm và 63,06 điểm. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 2005, khi VCCI bắt đầu tiến hành điều tra PCI thường niên”, Phó trưởng Ban Pháp chế, VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy, tại các địa phương được xếp PCI ở mức độ trung bình tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô đầu tư chỉ có 65%; tăng quy mô lao động là 6,1%; báo cáo có lãi là 59,6% và có ý định mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh là 20,3%. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2011 tương ứng là 14,9%; 11%; 73,6% và 50%.
Ngược lại, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp lại giảm từ 10,86 tỷ đồng xuống 10,08 tỷ đồng; số lao động trung bình/doanh nghiệp giảm mạnh từ 43,7 người xuống còn 24,64 người do số doanh nghiệp lãi giảm từ 73,6% năm 2011 xuống còn 59,6% vào năm 2012 và số doanh nghiệp bị lỗ lại tăng từ 13,8% trong năm 2011 lên 20,8% vào năm 2012.
Ngay cả ở những tỉnh được xếp điểm số PCI ở top đầu, năm 2012 cũng chỉ có 25% số doanh nghiệp dự định mở rộng quy mô đầu tư vốn; 17% tăng quy mô lao động; 35% có ý định mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh do vẫn còn tới 43,7% doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh bị lỗ.
GS.TS kinh tế chính trị, Trường đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI của khu vực doanh nghiệp FDI, Edmund Malesky cho biết, năm 2012, số lượng doanh nghiệp FDI có ý định mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh chỉ còn 32,7%, giảm mạnh so với tỷ lệ 45,5% của năm 2011 và 68,5% của năm 2010 do chỉ có 60% hoạt động có lãi và có tới 28% doanh nghiệp bị lỗ. Con số này đã có sự thay đổi đáng kể so với năm 2011 khi mà có tới gần 74% doanh nghiệp FDI có lãi và chỉ có 20,5% doanh nghiệp bị lỗ.
Cũng theo ông Edmund Malesky, năm 2012 chỉ có khoảng 5% số doanh nghiệp FDI dự định tăng quy mô đầu tư, hơn 32% có ý định tuyển tuyển thêm nhân viên. Trong khi đó, năm 2011, tỷ lệ này tương ứng là 27,8% và trên 47%.
“Niềm tin kinh doanh của khu vực FDI giảm đột ngột vào năm 2011 và xu hướng này lại tiếp diễn vào năm 2012. Niềm tin kinh doanh giữa khối doanh nghiệp nội địa và FDI không có sự khác biệt đáng kể, do cả 2 khu vực này đều có cảm nhận tiêu cực về hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tương lai”, ông Edmund Malesky nhận định.
Điểm sáng nhất trong khảo sát PCI năm 2012 đối với khu vực FDI, theo ông Edmund Malesky chính là việc cộng đồng doanh nghiệp “cảm nhận” tình trạng “tham nhũng vặt” có chiều hướng suy giảm.
“Trong 7 loại rủi ro cao nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi kinh doanh tại Việt Nam thì tình trạng cơ quan công quyền đòi chi phí không chính thức, lại quả hoặc có hành vi tiêu cực khác buộc doanh nghiệp phải “chung chi” khiến làm giảm lợi nhuận được xếp ở vị trí thứ 6, chỉ đứng trên rủi ro về về bất ổn chính trị là điểm sáng khi doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp ở cấp tỉnh trong năm 2012”, Edmund Malesky cho biết.
Bình luận về kết quả CPI năm 2012, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, năm 2012 là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam kể từ khi mở cửa. Vì thế, sự lạc quan của doanh nghiệp vào tương lai của nền kinh tế đã sụt giảm đáng kể. So với những năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp cả trong và ngoài nước có ý định mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh đã sụt giảm đáng kể.
“Năm 2012, trên phạm vi toàn quốc chỉ có 33% số doanh nghiệp có ý định mở rộng hoạt động, con số này không chỉ giảm mạnh so với 76% số doanh nghiệp có ý định mở rộng hoạt động vào năm 2006 mà còn là mức thấp kỷ lục”, ông Lộc e ngại.
Số liệu khảo sát PCI năm 2012 vừa được VCCI công bố sáng nay có thể nói niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp khá ảm đạm. Thế nhưng, theo cảm nhận của ông Đậu Anh Tuấn thì những doanh nghiệp tham gia khảo sát… dường như vẫn còn lạc quan hơn nhiều so với thực tế.
Quý 1/2012 tại TP.HCM có 931 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, trong đó có 526 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ tính riêng tháng 1.2013, trên cả nước có 7.278 doanh nghiệp giải thể, tăng 7% so với tháng 12.2012 và tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2012.
“Ngay cả ở những địa phương có nền kinh tế phát triển nhất, điều kiện hoạt động sản xuất - kinh doanh thuận lợi nhất thì số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản cũng không ngừng tăng lên qua từng tháng. Tuy nhiên, do điều tra PCI chỉ thu thập thông tin từ những doanh nghiệp đang tồn tại, không ghi nhận được đánh giá của những doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động. Vì thế, có thể nói đánh giá về môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp còn cao hơn mức độ mà VCCI công bố”, ông Tuấn dự đoán.
Nguồn: Báo Đầu tư điện tử